Hiệu chuẩn máy đo pH nước đúng cách
HIỆU CHUẨN MÁY ĐO PH NƯỚC
Ý nghĩa của việc hiệu chuẩn pH và các bước làm đúng cách
1. Độ pH và giới thiệu máy đo pH nước:
– pH là chỉ số đo hoạt độ hoạt động của các ion H+ trong dung dịch. Độ pH là chỉ số để xác định tính axit hay bazơ của nước (dung dịch).
– Nếu lượng ion H+ trong dung dịch nhiều, hoạt động mạnh thì dung dịch đó mang tính axit (pH <7), ngược lại nếu lượng ion H+ thấp thì dung dịch đó mang tính bazơ (pH>7). Trường hợp lượng hydro (H+) cân bằng với lượng hydroxit (OH-) thì dung dịch đó mang tính chất trung tính, độ pH khi đo xấp xỉ là 7.
– Sự thay đổi về độ pH ảnh hưởng tới bản chất hóa học của các chất và kéo theo là các phép đo pH nhất là đối với các ngành nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm,….đòi hỏi độ chính xác của pH là rất cao
– Máy đo pH là một thiết bị điện tử giúp cho kết quả đo độ pH nước một cách nhanh chóng và chính xác. Được sử dụng rộng rãi trong các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, nhà máy, trường học,…..
– Máy đo pH có 3 dạng chính: bút đo, máy cầm tay và máy để bàn. Tùy theo nhu cầu đo và đặc tính của mẫu cần đo mà quý khách hàng sẽ chọn loại máy đo phù hợp.
– Trước khi sử dụng máy đo pH, để đảm bảo kết quả đo chính xác thì ta thường phải hiệu chuẩn máy đo pH. Sau đây ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa và quy trình hiệu chuẩn máy đo pH đúng cách.
2. Hiệu chuẩn máy đo pH và ý nghĩa của việc hiệu chuẩn:
2.1. Hiệu chuẩn máy đo pH:
– Hiệu chuẩn máy đo pH là việc thực hiện hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa chuẩn đo lường và thiết bị đo để đánh giá sai số và các đặc trưng kỹ thuật, kết quả đo lường của máy bằng cách đo các dung dịch hiệu chuẩn có các giá trị khác nhau đã biết trước. Sau đó máy sẽ có cơ chế nhận diện dung dịch chuẩn và điều chỉnh kết quả đo trùng khớp với giá trị đã biết trước đó (tự động/ thủ công).
– Thông thường có 3 phương pháp hiệu chuẩn máy đo pH:
- Hiệu chuẩn 1 điểm
- Hiệu chuẩn 2 điểm
- Hiệu chuẩn nhiều điểm
– Các bộ dung dịch hiệu chuẩn máy đo pH thông dụng là:
- USA: 1,68/ 4,01/ 7,00/ 10,01/ 12,45
- NIST: 1,68/ 4,01/ 6,86/ 9,18/ 12,45
- Pb: 4,10/ 6,97
Xem thêm: Bộ dung dịch hiệu chuẩn pH hãng Horiba
2.2. Tại sao cần hiệu chuẩn máy đo pH:
– Thay đổi tính năng, đặc điểm của điện cực:
Sau một thời gian sử dụng máy, sự lão hóa và phủ điện cực pH có thể làm thay đổi các đặc tính của máy. Việc thực hiện hiệu chuẩn giúp phù hợp với các đặc điểm hiện tại của máy đo pH với cảm biến pH đang dùng.
– Tăng độ chính xác kết quả đo:
Hiệu chuẩn càng nhiều điểm kết quả đo càng chính xác. Tuyệt đối không thực hiện hiệu chỉnh máy đo pH mà không có bộ đệm dung dịch chuẩn.Nếu hiệu chuẩn pH không đúng cách, các phép đo sẽ sai khác rất nhiều làm ảnh hưởng đến phán đoán cũng như ý nghĩa của kết quả đo đem lại.
– Giảm trôi kết quả đo:
Việc hiệu chuẩn sẽ giúp duy trì được kết quả đo một cách chính xác, giảm trôi và tăng độ ổn định.
– Dự đoán hư hỏng của thiết bị:
Giúp phát hiện và tiên đoán được các hỏng hóc của máy. Từ đó có kết hoạch bảo dưỡng, sửa chữa máy đo pH kịp thời.
– Sự khác biệt về mẫu:
Nhiều mẫu của cùng một chất có thể sẽ có các đặc tính khác nhau, và việc hiệu chuẩn so với các bộ đệm chuẩn hóa giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan tới mang tế bào như sự khác biệt về cường độ ion.
– Lợi ích khác:
Hiệu chuẩn để đảm bảo phù hợp theo tiêu chuẩn chất lượng của ngành, quốc gia, quốc tế.
3. Quy trình hiệu chuẩn máy đo pH đúng cách:
3.1. Chuẩn bị:
– Về tiêu chuẩn, cần hiệu chuẩn hết tất cả các điểm toàn thang đo để đạt độ chính xác cao ở bất kỳ giá trị pH nào.
– Thông thường sẽ hiệu chuẩn pH ở 3 điểm cơ bản là 4,01 / 7,00 / 10,01. Tuy nhiên, có thể tiết kiệm thời gian và chi phí mua dung dịch chuẩn bằng cách xác định khoảng pH của mẫu cần đo, ta sẽ hiệu chuẩn các giá trị pH lân cận giá trị của mẫu.
– Hầu hết tất cả các máy đo pH hiện nay đều cài đặt sẵn các bộ chuẩn “Buffer” theo USA, NIST hoặc Custom để có thể tùy chọn. Cần chuẩn bị sẵn bộ dung dịch chuẩn có giá trị khớp với Buffer đã chọn.
3.2. Quy trình chung hiệu chuẩn máy đo pH:
– Mở máy (phím ON/OFF)
– Rửa điện cực bằng nước cất, lau khô.
– Nhúng đầu điện cực vào dung dịch chuẩn đã chuẩn bị, thường là pH 7. Nhấn phím Cal để vào chế độ hiệu chuẩn.
– Đợi kết quả đo ổn định, máy sẽ tự động nhận diện và chấp nhận giá trị hiệu chuẩn Auto save (tùy model) hoặc nhấn phím Save/Hold/Enter.
– Lấy điện cực ra và rửa sạch bằng nước cất, lau khô. Tiếp tục hiệu chuẩn với các dung dịch chuẩn còn lại.
– Kết thúc quá trình hiệu chuẩn nhấn phím Cal/Meas hoặc máy sẽ tự động chuyển qua chế độ đo sau khi hiệu chuẩn xong (Tùy model)
4. Một số lưu ý:
– Đầu điện cực đo là thủy tinh nên hạn chế va chạm mạnh, rơi rớt. Bảo quản trong dung dịch KCL 3M sau khi dùng xong.
– Nhiệt độ có ảnh hưởng đến kết quả đo pH. Với các máy bù trừ nhiệt tự động thì đo và hiệu chuẩn máy bình thường. Với các máy không bù trừ nhiệt cần chỉnh nhiệt độ mẫu về 25oC hoặc chỉnh kết quả chuẩn nếu đo được nhiệt độ mẫu để giảm thiểu sự sai số.
Xem thêm:
– Ảnh hưởng pH nước đến sức khỏe con người
– Thí nghiệm Jartest trong xử lý nước thải
– Máy đo pH để bàn phòng thí nghiệm hãng Eutech
Thông tin liên hệ:
Mr. Tiến – 0907 043 291 (Zalo)
Email: [email protected]
Để lại một bình luận