Độ bền màu vải (Color Fastness) và thước xám (Gray Scale)
ĐỘ BỀN MÀU VẢI VÀ THƯỚC XÁM
Thước xám (Gray Scale) kiểm tra độ bền phai màu và lem màu của vải
1. Độ bền màu vải (Color Fastness) là gì?
– Trong ngành nhuộm dệt may, độ bền màu là thuật ngữ được dùng để chỉ khả năng chống lại sự phai màu của vật liệu dệt sau khi đã được nhuộm hoàn tất thì chúng sẽ chịu tác dụng của một tác động bên ngoài (hóa học, cơ học).
– Độ bền màu vải phụ thuộc vào các yếu tố như: chất liệu sợi vải, chất lượng loại thuốc nhuộm, độ đậm nhạt màu khi nhuộm, đặc biệt là kỹ thuật của các quá trình xử lý (tẩy, nhuộm, hoàn tất),….
– Độ bền màu thuốc nhuộm trên vải có thể khác nhau khi chúng tiếp xúc và chịu tác động của các tác nhân khác nhau. Một màu có thể bền với tác động giặt khô nhưng lại kém bền với giặt nước, có thể bền với nước hoặc mồ hôi nhưng lại không bền với chất tẩy,….
– Mỗi một sản phẩm dệt may trước khi đưa ra thị trường đều có những tiêu chuẩn nhất định về độ bền màu. Điều này cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sản phẩm cũng như làm tăng khả năng mua sắm của khách hàng. Do vậy, việc kiểm tra đánh giá độ bền màu trong ngành công nghiệp dệt may là rất cần thiết.
2. Các phương pháp kiểm tra độ bền màu vải:
– Tùy theo nhu cầu sử dụng mà các vật liệu dệt có thể gặp phải những tác nhân khác nhau. Các tác nhân này sẽ ảnh hưởng và chi phối tới độ bền màu của chúng trong suốt quá trình dùng.
– Các thử nghiệm thông dụng để kiểm tra độ bền màu áp dụng trên các vật liệu nhuộm hoặc in là:
- Độ bền màu ma sát (Color fastness to rubbing)
- Độ bền màu giặt (Color fastness to wash)
- Độ bền màu với giặt khô (Color fastness to dry clean)
- Độ bền màu với mồ hôi (Color fastness to perspiration)
- Độ bền màu với nước (Color fastness to water)
- Độ bền màu ánh sáng (Color fastness to light)
– Độ bền màu vải thường được đánh giá theo hai cách:
- Sự thay đổi màu sắc của các mẫu vật trước và sau khi thử nghiệm, gọi là độ phai màu (thay đổi màu) hay Color Change.
- Màu dây lên vật liệu khác không được nhuộm và tiếp xúc với các mẫu vật trong khi thử nghiệm, đó là độ dây màu (lem màu, chạy màu) hay Color Staining.
– Để đánh giá mức độ thay đổi màu và độ dây màu của các mẫu thử nghiệm, người ta quy định tiêu chuẩn hóa con số trong việc đánh giá bằng cách so sánh kết quả dựa vào 2 bộ thước xám tiêu chuẩn (Grey scale).
3. Giới thiệu về thước xám (Grey scale):
– Thước Xám (Gray scale) là dụng cụ được dùng trong ngành dệt may để kiểm tra độ bền màu nhuộm của sản phẩm như vải và các sản phẩm nhuộm khác.
– Thước xám gồm có 2 loại:
- Thước xám kiểm tra độ bền thay đổi màu (Grey Scale for color change)
- Thước xám kiểm tra độ dây màu (Grey Scale for staining)
– Thước xám thường được sản xuất theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau, tùy thuộc vào thị trường áp dụng:
- Tiêu chuẩn AATCC áp dụng cho thị trường Mỹ
- Tiêu chuẩn ISO, SDC áp dụng cho thị trường Châu Âu.
- Tiêu chuẩn JIS áp dụng cho thị trường Nhật Bản
- Tiêu chuẩn GB áp dụng cho thị trường Trung Quốc.
- Tiêu chuẩn ISO áp dụng chung cho nhiều quốc gia.
– Bảo quản thước xám ở nơi khô ráo, thoáng mát, ít bui. Khi sử dụng phải giữ thước xám sạch sẽ, tránh lưu lại dấu vân tay trên bề mặt thẻ màu.
4. Thước xám kiểm tra độ bền phai màu (Grey Scale for color change):
– Thước xám bao gồm mười cặp màu xám được đánh số từ 1 đến 5.
- Số 5 có hai màu xám giống hệt nhau. Độ bền màu tốt nhất.
- Số 2, 3 và 4 có sự tương phản trung gian, mức độ tương phản tăng dần từ 5 xuống 1. Tương ứng với độ bền màu giảm dần.
- Số 1 màu xám cho thấy sự tương phản lớn nhất. Độ bền màu kém nhất.
– Mẫu màu sau khi kiểm tra thử nghiệm sẽ được so màu với mẫu màu ban đầu (không xử lý kiểm tra) và so sánh mức độ tương phản của chúng ở trong tủ so màu, dựa vào thang số trên thước xám này để đưa ra đánh giá:
- Khi không có sự thay đổi về màu sắc của mẫu kiểm tra so với màu ban đầu, mẫu đó sẽ được phân loại là “5” tức là độ bền màu rất tốt.
- Ngược lại, sự thay đổi màu của mẫu quá nhiều gây ra mức tương phản như cặp xám số 1, nó sẽ bị đánh giá độ thay đổi màu cấp “1”, hay là độ bền màu rất kém.
5. Thước xám kiểm tra độ lem màu (Grey Scale for staining):
– Một bộ các cặp màu trắng-xám được sử dụng để đánh giá mức độ dây màu khác nhau.
– Mẫu test bị dây màu trong thử nghiệm sẽ được so sánh với một mẫu màu trắng tiêu chuẩn (không qua kiểm tra tiếp xúc dây màu) trong tủ so màu và dựa vào thước xám dây màu để đánh giá độ bền màu.
- Độ bền xếp hạng 5 được thể hiện bằng hai mẫu màu trắng giống hệt nhau. Điều này có nghĩa là không dây màu.
- Xếp hạng 2, 3, 4 có sự tương phản trung gian. Mức độ tương phản giữa màu trắng và các chuẩn màu xám tăng dần từ 5 đến 1 hay độ bền màu vải giảm dần từ 5 xuống 1. Nếu kết quả là ở giữa bất kỳ hai cấp tương phản thì có thể đánh giá xếp hạng 3-4 hoặc 2-3 (3.5 hay 2.5).
- Xếp hạng 1 cho một màu trắng và một mẫu màu xám khác biệt cao nhất. Cho thấy sự dây màu quá nhiều hay độ bền màu của mẫu thử là kém nhất.
Xem thêm:
– Tiêu chuẩn và các bước kiểm tra độ bền màu ma sát
– Hướng dẫn lắp ráp và sử dụng tủ đèn chuẩn so màu
– Dụng cụ thử độ kháng nước của vải QC-305 Cometech
Thông tin liên hệ:
Mr. Tiến – 0907 043 291 (Zalo)
Email: [email protected]
Để lại một bình luận